Cập nhật lúc 08:40 13/04/2021 (GMT+7)
Nhiều lợi ích khi cho công nhân được khám bệnh BHYT ngoài giờ
Để phù hợp với đặc thù công việc, nhiều công nhân mong muốn được khám bệnh theo BHYT ngoài giờ hành chính. Có nhiều lợi ích khi cho công nhân được khám bệnh ngoài giờ, nhưng đồng thời các cơ sở y tế cũng cần tăng cường chất lượng khám bệnh.
CNLĐ luôn mong muốn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh BHYT. Ảnh minh họa: Bảo Hân
CN mệt mỏi quá mới đi khám bệnh!
Chị Vũ Thị Duyên (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội), cho biết, công ty nơi chị làm việc tổ chức khám bệnh định kỳ cho công nhân 2 năm một lần. “Ngoài 2 lần đó ra, chỉ khi nào thấy quá mệt mỏi thì tôi mới đi khám bệnh, còn cảm thấy “nhẹ nhẹ” thì không đi, chỉ cần ngủ một giấc dậy là đỡ”- chị Duyên cho hay.
Chị Duyên đăng ký nơi khám ban đầu là Trạm Y tế xã Kim Chung, nên nếu cảm thấy trong người bất ổn, chị thường ra đây khám; nếu bệnh nặng thì sẽ xin chuyển lên tuyến trên. “Những ngày làm việc, nếu phải đi khám bệnh, tôi sẽ phải xin nghỉ ốm. Sau khi khám xong, tôi sẽ mang giấy khám bệnh, nộp công ty để vẫn được hưởng tiền của bảo hiểm xã hội”- chị Duyên cho hay. Chị Duyên mong được khám bệnh ngoài giờ để tạo thuận lợi cho công nhân, bởi có nhiều người nếu muốn khám ngoài giờ thì buộc phải đến các cơ sở tư nhân - mà như vậy chi phí sẽ đắt hơn nhiều.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiền (công nhân một khu công nghiệp) cho hay, nếu khám bệnh ở nơi đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu thì mới được nơi khám cho giấy khám bệnh để nộp cho công ty, hưởng tiền bảo hiểm xã hội; còn nếu đi khám ở các cơ sở tư nhân thì sẽ không được hưởng chế độ gì.
“Tôi hầu như không đi khám bệnh theo bảo hiểm y tế mà thường đi khám tự nguyện”- chị Hiền cho biết và giải thích: Khám ở trung tâm y tế của xã chị không thấy tin tưởng nơi này có đủ phương tiện và trình độ để phát hiện đúng bệnh. Có lần chị muốn khám sâu hơn thì trạm y tế không đáp ứng được, trong khi đó, việc chuyển lên tuyến trên không phải là điều dễ dàng, trừ khi phát hiện bị bệnh nặng. Hơn nữa, khám ở cơ sở tư nhân, chị có thể chủ động hơn trong thời gian, có thể đi khám sau giờ làm việc, không phải nghỉ làm.
Khám ở bệnh viện hay phòng khám tư nhân nên chị Hiền phải khám ngoài giờ, chi phí khá nhiều tiền, lên tới khoảng 400.000-500.000 đồng. “Chưa biết bị bệnh gì, riêng tiền khám đã hết 200.000-300.000 đồng, chưa kể tiền mua thuốc nếu phát hiện ra bệnh” - chị Hiền chia sẻ.
Chính vì tốn kém, nên chỉ khi nào thấy trong người quá mệt mỏi, đau đầu, hay bị bệnh phụ nữ… chị Hiền mới đi khám bệnh, còn nếu không, chị thường để… tự khỏi.
Nhiều lợi ích khi cho công nhân khám bệnh ngoài giờ
Chị Bùi Thị X (công nhân Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) cho hay: “Khi nào cảm thấy ốm quá, không chịu được tôi mới đi khám bệnh. Ví dụ, có lần tôi bị đau họng nhiều ngày, đã mua thuốc về tự uống nhưng không khỏi, không chịu nổi tôi mới đến bệnh viện khám” - chị X cho hay. Theo chị X, mặc dù có bảo hiểm y tế, nhưng chị thường khám tự nguyện ở các cơ sở tư nhân hơn vì tiện lợi, an tâm hơn. “Mỗi lần khám tiêu tốn khoảng 400.000-500.000 đồng - một khoản tiền lớn so với đồng lương ít ỏi của tôi. Thế nhưng, khám ở tư nhân tôi chủ động được thời gian, nhanh hơn, được phục vụ tốt hơn”- chị X chia sẻ.
Khảo sát của phóng viên đối với nhiều công nhân cho thấy, thường chỉ khi nào công nhân cảm thấy quá mệt mỏi thì họ mới đi khám bệnh. Nhiều người khi được hỏi đều mong muốn được tạo điều kiện khám theo bảo hiểm y tế ngoài giờ, nhưng đồng thời, cần tăng cường chất lượng khám bệnh để công nhân yên tâm hơn khi đến khám.
Theo chia sẻ của một cán bộ công đoàn các khu công nghiệp, nếu tổ chức khám bệnh ngoài giờ nhưng vẫn hưởng bảo hiểm y tế thì người lao động, nhất là công nhân sẽ được đảm bảo quyền lợi hơn rất nhiều: Tiết kiệm thời gian, tiền bạc và có thể tập trung vào công việc cao hơn; giúp phụ huynh là công nhân có thời gian để đưa con cái đi khám bệnh sau giờ làm việc, học tập, chăm lo chu đáo hơn cho sức khỏe của bản thân và gia đình; giảm thiểu tình trạng quá tải trong giờ hành chính của bệnh viện.
BẢO HÂN (BÁO LAO ĐỘNG)
Ý kiến bạn đọc