Liên đoàn Lao động Tỉnh Tây Ninhhttps://congdoan.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 28/05/2023 10:281410
Sáng 27/5/2023, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa LĐLĐ các tỉnh: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự hội nghị có đồng chí Trương Nhật Quang – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, phụ trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh; đồng chí Trần Xuân Điền - Phó Trưởng Ban dân vận Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Việt Cường – Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ Long An cùng lãnh đạo LĐLĐ 5 tỉnh, thành phố. Chủ trì hội nghị là đồng chí Trần Lê Duy – Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh.
Theo báo cáo sơ kết tại hội nghị, năm 2022, trên địa bàn 5 tỉnh thành phố xảy ra 76 vụ ngừng việc, với 67.176 lượt người lao động tham gia, tại các Doanh nghiệp ngoài nhà nước, Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp. Nguyên nhân, chủ yếu do doanh nghiệp chậm trả lương, không điều chỉnh lương tối thiểu vùng; không xây dựng quy trình sản xuất, giao kế hoạch, chỉ tiêu sản lượng không rõ ràng, minh bạch, điều kiện làm việc chưa được cải thiện, thay đổi cách tính lương mà không tổ chức đối thoại; điều động lao động sản xuất chưa phù hợp và thông báo thưởng tết chưa rõ ràng, nợ tiền thưởng tết, nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), bữa ăn không đảm bảo chất lượng; thông báo nghỉ không lương, nợ lương, cắt giảm các khoản phụ cấp, thưởng do ảnh hưởng Covid-19, người lao động bức xúc do chưa nhận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ, yêu cầu tăng lương, tăng phụ cấp, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm, có sự so bì giữa lao động của khu vực này với khu vực kia của cùng một doanh nghiệp...
Thực hiện chương trình phối hợp giữa 5 tỉnh, thành phố, Ban Thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh), Công đoàn các Khu Chế xuất – Công nghiệp, Khu Kinh tế lân cận chủ động nắm bắt tình hình an ninh trật tự trong công nhân trên địa bàn.
Đồng thời, mỗi tỉnh thành lập 1 Tổ công tác theo dõi, tham mưu cho Ban Thường vụ LĐLĐ chỉ đạo giải quyết tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn. Trong quá trình tham mưu các tổ công tác thường xuyên liên hệ với nhau nhằm kịp thời nắm chắc diễn biến các vụ đình công có yếu tố lây lan để tham mưu lãnh đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố có hướng chỉ đạo cũng như trong việc tham mưu Cấp ủy cùng cấp và phối hợp các ngành chức năng giải quyết ổn định tình hình, không để trở thành điểm nóng gây mất an ninh trật ở địa phương.
Tại mỗi Khu Chế xuất – Công nghiệp, Khu Kinh tế của từng địa phương đều thành lập những nhóm Công nhân nòng cốt chính trị, được tập huấn cách xử lý khi có tình huống biểu tình, chống phá xảy ra tại nơi làm việc hoặc tại Khu Chế xuất – Công nghiệp, Khu Kinh tế. Trong năm qua các cấp công đoàn của 5 tỉnh, thành phố thường xuyên liên hệ nắm tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của Công nhân lao động tại doanh nghiệp tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; Tham gia tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa chính quyền với đoàn viên, người lao động và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (định kỳ và đột xuất), tổ chức hội nghị người lao động, kịp thời giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, kiến nghị của người lao động và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đồng thời, các cấp công đoàn phối hợp ngành Công an tổ chức phong trào giữ gìn an ninh trật tự tại doanh nghiệp, thông qua việc đăng ký và ký kết xây dựng “cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự” kết hợp với thực hiện “Chương trình phòng chống tội phạm, ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác”; duy trì lực lượng công nhân nồng cốt tại doanh nghiệp, iải quyết kịp thời các vụ ngừng việc, đình công.
Hội nghị được nghe 9 phát biểu của đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố chia sẻ kinh nghiệm và ứng phó các tình huống xảy ra trong tời gian qua. Các ý kiến đề nghị trong thòi gian tới cần quan tâm xử lý các tình huống tại chỗ; xây dựng phương án xử lý các tình huống; tăng cương an ninh trật tự tại các địa bàn giáp ranh; phối hợp tuyên truyền, chăm lo đời sống vật chất và tình thần, nắm bắt thông tin tại nhà trọ, khu lưu trú; 5 tỉnh cần phải có tiếng nói chung, thống nhất và mạnh mẻ hơn nữa về các chính sách, chế độ khi tham gia đóng góp, góp ý,…
Theo đồng chí Trần Xuân Điền - Phó Trưởng Ban dân vận Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức quán triệt sâu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của cán bộ công đoàn các cấp trong việc thực hiện hiệu quả phối hợp của quy chế. Liên đoàn lao động của các tỉnh và thành phố cần có cơ chế thông tin, phản hồi rõ ràng, chặt chẽ, có đầu mối liên lạc cụ thể, cũng như trách nhiệm của từng đơn vị. Khi có tình huống xảy ra cần phải có sự báo cáo và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết, đảm bảo tính đồng bộ trong giải quyết tình huống có liên quan nhiều đơn vị, xảy ra trên nhiều địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh, thành. Ngoài ra, Liên đoàn lao động các tỉnh và thành phố cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác nắm tình hình, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt; trong nâng cao kỹ năng phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh đảm bảo ổn định quan hệ lao động trên địa bàn hoặc kinh nghiệm trong tham mưu lãnh đạo công tác định hướng và quản lý việc hình thành, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Nhật Quang - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ, phụ trách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh trong thời gian tới, cùng với sự cạnh tranh về kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, sẽ diễn ra gay gắt, tác động lớn tới việc làm, đời sống của người lao động, quan hệ lao động và tổ chức, hoạt động của Công đoàn. Đặc biệt là việc cắt, giảm đơn hàng của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động. Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Tây Ninh Trương Nhật Quang đề nghị LĐLĐ tỉnh Tây Ninh tích cực phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các tỉnh lân cận trong việc thông tin giữa Ban thường vụ LĐLĐ 5 tỉnh, và thành phố. Bên cạnh đó, LĐLĐ các địa phương cần rà soát các y kiến đóng góp tại hội nghị, cùng nhau góp ý, thảo luận thống nhất trong triển khai thực hiện, cần thiết sửa đổi bổ sung quy chế cho phù hợp với tình hình mới.
Việc phân công tổ trưởng tổ giúp việc trong quy chế cần phải để cho đồng chí Thường trực LĐLĐ các tỉnh phụ trách theo dõi và trực tiếp thông tin với nhau để kịp thời xử lý các tình huống pháp sinh, báo cáo ngay từng thời điểm, tình huống cho lãnh đạo cấp ủy cùng cấp và cấp trên để kịp thời chỉ đạo giải quyết, đảm bảo tính đồng bộ trong giải quyết tình huống có liên quan đến nhiều đơn vị, xảy ra trên nhiều địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh thành.
Được biết, trước đó, lãnh đạo LĐLĐ 5 tỉnh đã tổ chức trao tặng quà và thiết bị tuyên truyền cho Tổ tự quản công nhân khu nhà trọ đợt 1. Trang thiết bị tuyên truyền gồm 01 Loa kéo (hiệu Bosa công suất 400W) và 01 Tivi (55 inch hiệu Sam sung) từ nguồn đóng góp của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho công nhân lao động khu nhà trọ tại tổ tự quản công nhân nhà trọ tại ấp Phước Đức B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, số tiền 26 triệu đồng.
Trao tặng 40 phần quà bằng tiền mặt (mỗi phần 1.000.000 đồng/người) tổng kinh phí: 40 triệu đồng từ nguồn đóng góp Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương và Long An cho công nhân lao động thuộc các tỉnh phối hợp bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, … vượt khó và đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh và tại các doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Lao động huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.