Sáng ngày 03/6/2019, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo viên định kỳ tháng 6/2019. Dự hội nghị có đồng chí Phan Văn Bua – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cùng 100 báo cáo viên là trưởng, phó, cán bộ các ban chuyên môn Liên đoàn Lao động tỉnh, liên đoàn lao động các huyện, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, các công đoàn cơ sở trực thuộc tỉnh và ngành Trung ương; công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Nông nghiệp, Công đoàn Viên chức.
Các báo cáo viên được đồng chí Đào Thị Anh Tuyết – Phó Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Tây Ninh) tuyên truyền pháp luật liên quan đến tín dụng. Với kiểu phát tờ rơi, dán quảng cáo, sử dụng sim điện thoại rác và mạng xã hội để tiếp thị, lôi kéo người vay, tín dụng đen đã “phủ sóng” rộng khắp, từ các đô thị lớn dần tràn về ruộng đồng, rẫy cà phê, hoành hành từ đồng bằng đến các bản làng dân tộc thiểu số. Hậu quả từ việc gây bất an đến cuộc sống cộng đồng, bao nhiêu gia đình tan nát do tự tử, ly hôn, bỏ xứ đi trốn nợ đòi, thanh thiếu niên phải bỏ học vì nợ nần…Các đường dây cho vay từ Bắc vào Nam với cách thức lôi kéo, dụ dỗ, “giăng bẫy” khá giống nhau, đều áp đặt mức lãi suất cắt cổ. Và đáng sợ là cách đòi nợ hung tợn, không ngại dùng vũ lực và các kiểu gây áp lực, hoảng loạn tinh thần… cho thấy những nhóm này hoạt động có tính tổ chức, không phải tự phát, riêng lẻ. Riêng ở Tây Ninh cũng đã xuất hiện rất nhiều băng, nhóm cho vay lãi nặng, trải rộng khắp các huyện, thành phố Tây Ninh mà công an hiện đã khám phá, xử lý hành chính và hình sự nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã có văn bản số 350/LĐLĐ, ngày 06/5/2019 về việc “triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen” với một số nội dung chính như sau:
Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên công đoàn tiếp cận các chương trình tín dụng của các ngân hàng nhà nước, Quỹ tín dụng, Quỹ Cep để phục vụ sản xuất kinh doanh và sử dụng vốn phục vụ đời sống, kể cả những nhu cầu đột xuất, cấp bách; Phối hợp hỗ trợ ngành ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn vay tiêu dùng chính đáng, cấp bách cho đoàn viên công đoàn nhằm hạn chế tình trạng người lao động tìm đến nguồn vốn cho vay nặng lãi; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn các đối tượng cho vay nặng lãi đối với người lao động.
Ngoài ra, hội nghị cũng đóng góp Dự thảo Đề án “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Với 6 lượt ý kiến đóng góp xoay quanh các giải pháp, các chỉ tiêu của đề án, tránh hình thức và chỉ tiêu phải mang tính khả thi cao khi đưa vào thực hiện.
Lê Tâm
Ý kiến bạn đọc